Theo đó, quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ thành phố sẽ nhấn mạnh vào các trục đường Vành đai phía Nam, xuất phát từ đường Trường Sa qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14B, nối vào ĐT 604 đi Hòa Phú và gặp đường Vành đai phía Tây (xuất phát từ đường Cao tốc Liên Chiểu - Dung Quốc, qua ĐT 605), đi dọc theo phía Tây thành phố, gặp đường ĐT 601, đi ngược về Hòa Liên, ra đường Cao tốc Liên Chiểu - Dung Quốc, sau đó nối đường Nguyễn Tất Thành nối dài về Trung tâm thành phố, và các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây nối từ Quốc lộ 14B đi Sê-kông, Chăm-pa-sắc (Lào) và qua Thái Lan.
Giao thông đường thủy phát triển dọc theo sông Cổ Cò nối với phố cổ Hội An và dọc theo sông Cu Đê từ Nam Ô lên Hòa Bắc.
Chuyển ga đường sắt ra khu vực phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu theo quy hoạch đã phê duyệt. Về việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm, sẽ chọn Ga chính tại khu vực phía trước Nhà hát Trưng Vương, tổ chức một tuyến ngầm lên ngã ba Huế, sau đó đi nổi theo 2 nhánh: 1 nhánh đi về phía quận Liên Chiểu và 1 nhánh đi về phía Nam thành phố, chiều dài mỗi nhánh là 10km, trong các trạm dừng, sẽ có 1 trạm tại Công viên 29-3.
Hệ thống xe buýt nhanh sẽ có thêm các tuyến đi từ Sơn Trà đến Hội An, từ Sơn Trà vào Trung tâm thành phố, Bà Nà, đi các Khu công nghiệp, làng Đại học ở phía Đông Nam thành phố, các Khu du lịch, resort ven biển,...Nghiên cứu tìm chọn thêm địa điểm các bãi đổ xe các bãi đỗ xe ngầm và nổi khác.
Sân bay Quốc tế Đà Nẵng từ nay đến năm 2050 từng bước chuyển thành sân bay dân dụng thuần túy, sân bay Nước Mặn được quy hoạch trở thành sân bay dịch vụ du lịch.
Cảng Tiên Sa sẽ được nâng cấp phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đồng thời quy hoạch khu vực cảng Liên Chiểu để đầu tư xây dựng và phát triển các khu vực lân cận.
Triển khai dự án Cầu đi bộ qua sông Hàn và các vị trí cầu qua sông tại khu vực phía Tây cầu Đỏ, các điểm bố trí cầu vượt, phố đi bộ,…
Từ nay đến năm 2018, thành phố sẽ xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến hệ thống thu gom nước thải toàn thành phố, đến năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm các điểm ngập úng trên toàn thành phố. Quy hoạch hệ thống cấp điện đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn, nhất là đối với các khu vực sản xuất, dịch vụ,…
Bên cạnh đó, đề án cũng xác định quy hoạch rõ vị trí và dành quỹ đất cho các khu vực kho tàng phục vụ quân sự, công an, các khu công nghiệp, dân sự, trường học, bệnh viện,…đáp ứng nhu cầu cho quy mô dân số thành phố đến năm 2030 là 2,5 triệu người. Các khu đô thị như: Thiên Park, Golden Hills City, Tuyên Sơn, Hòa Quý, Hòa Xuân, Túy Loan,... là các đô thị vệ tinh của trung tâm thành phố Đà Nẵng. Sau năm 2020, sẽ triển khai thêm Khu đô thị mới dọc theo sông Cu Đê. Các khu nghỉ dưỡng, các bãi tắm, sân golf, casino,... trong đó có xem xét đến việc bố trí casino tại Khu du lịch Bà Nà Hills. Xác định hệ thống siêu thị, chợ,... xác định vị trí của Trung tâm Tài chính - Ngân hàng, công trình Nhà hát mới của thành phố,..nghiên cứu việc lấn biển để phát triển đô thị, xem xét việc trồng rừng phòng hộ, đảm bảo chỉ tiêu mật độ cây xanh toàn thành phố,..
UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng lập hồ sơ 40 điểm nhấn kiến trúc, lưu ý chọn trước 20 điểm chính, báo cáo UBND thành phố và trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua để làm cơ sở cho việc quản lý sau này. Đồng thời giao Sở Nội vụ nghiên cứu quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho từng ngành, lĩnh vực, đáp ứng sự phát triển của thành phố theo quy hoạch chung.